Trong gần 5 tháng tham gia chống dịch Covid-19 tại Bình Dương, với vai trò là người cố vấn chuyên môn, chủ trì hội chẩn và trực tiếp khám và điều trị những bệnh nhân nặng – nguy kịch tại tầng 2, tầng 3 và tại Khoa hồi sức tích cực Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh (BVĐK Bình Dương) hiện nay. Theo đó, tôi và các bác sĩ đồng nghiệp đã tham gia cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân bị Covid-19 nặng – nguy kịch nhưng chủ yếu là những người trưởng thành vì tỷ lệ trẻ em bị Covid-19 nặng – nguy kịch ít gặp hơn so với người lớn.
Điển hình, trường hợp bé trai 13 tuổi bị Covid-19 rất nguy kịch vừa được chúng tôi cứu chữa tại Khoa hồi sức tích cực Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh – BVĐK Bình Dương là một trường hợp bệnh lý với tổn thương rất hiếm gặp do Covid-19 chưa được công bố trên các tạp chí thế giới. Qua đó, bé nhập viện điều trị Covid-19 tại khoa trong tình trạng hôn mê kèm với vô niệu kéo dài (không có nước tiểu), tăng đường huyết rất cao (trên 500 mg% so với trẻ em bình thường là nhỏ hơn 120 mg%), tăng huyết áp không kiểm soát được và đặc biệt hôn mê sâu phải thở máy kéo dài nhiều ngày.
Có thể thấy, đây là một thể bệnh rất hiếm gặp của Covid-19 ở trẻ em gây tổn thương viêm đa cơ quan (MIS-C: Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) với tổn thương thận cấp do tắc ống thận, tổn thương não do toan hóa máu, rối loạn vận mạch do tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và đặc biệt là tổn thương tế bào bêtatuyến tụy gây ra tình trạng hôn mê do tăng đường huyết nhiễm cêton. Sự lo lắng về tình trạng nguy kịch của bệnh nhi với thể bệnh nguy hiểm và hiếm gặp cùng với tổn thương nhiều cơ quan sinh tồn đã càng tăng lên trong tôi và cả êkíp điều trị cho bệnh nhi từng phút giây khi bé đã hôn mê sâu và không có nước tiểu hơn một tuần dù rằng tình trạng tăng đường huyết đã có thể kiểm soát được bằng truyền insulin vào máu liên tục và dùng thuốc dãn mạch hạ huyết áp phối hợp với thuốc kiểm soát nhịp tim và thuốc chống viêm aspirin cùng với lọc máu liên tục. Tình huống xấu nhất chúng tôi đặt ra là có thể bé sẽ tổn thương não không hồi phục và mất tri giác kèm với hai thận bị hoại tử hư hại không hoạt động trở lại và về lâu dài phải thẩm tách máu định kỳ hoặc ghép thận sau này.
Trong đó, đây là ca bệnh rất phức tạp về cơ chế tổn thương và rất nguy kịch đe dọa sự sống cho bệnh nhi từng phút – từng giờ đặt ra cho tôi với vai trò cố vấn chuyên môn – chủ trì hội chẩn, BSCK1. Huỳnh Trương Anh Đức – Trưởng khoa hồi sức tích cực Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh – BVĐK Bình Dương cùng các đồng nghiệp trẻ rất khá – giỏi về chuyên môn và tận tụy với người bệnh trong suốt thời gian qua như BS. Nguyễn Thị Kim Thành, BS Nguyễn Quang Tiến, BS. Nguyễn Chí Thanh, BS. Trần Ngọc Anh Thùy, BS Nguyễn Phương Ngân, BS. Lê Thị Hồng Nhung và Điều dưỡng trưởng tua rất giỏi tay nghề về lọc máu Nguyễn Văn Hoài Nam…Cùng với đó, họ phải đem hết trí tuệ và tâm huyết cứu sống được bệnh nhi qua khỏi cơn nguy kịch và tỉnh lại với tri giác tốt nhất. Có lẽ đây là ca bệnh đầu tiên trong suốt quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhiều tháng qua mà chúng tôi mong chờ trong sự căng thẳng nhất và hồi hộp nhất sự cải thiện của người bệnh qua từng giây phút để có thể thấy bệnh nhi tỉnh lại và trông ngóng những dòng nước tiểu đầu tiên sau hơn một tuần lọc máu và chờ đợi.
Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, sau khi tôi cùng BS. Huỳnh Trương Anh Đức rút ống thở (nội khí quản) và cho bé thở máy HFNC qua ống thông mũi (canula) buổi sáng, buổi chiều cùng ngày bé đã có thể mở mắt và nghe hiểu được những điều chúng tôi hỏi. Sự vô tư và hồn nhiên trở lại trên khuôn mặt trẻ thơ khi được tôi hỏi về bố mẹ và anh chị em (có một em gái) và đặc biệt không gì xúc động hơn khi bé xin các cô điều dưỡng cho uống “ trà xanh không độ ‘’ và ăn bánh vì rất đói. Sự ngây thơ và trong sáng trong tâm hồn trẻ thơ cùng với sự hồi sinh về lại trên khuôn mặt trẻ con bầu bĩnh đáng yêu với đôi môi hồng thắm và đôi mắt đen tuyền của bé không có gì đáng yêu hơn và tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh tiếp tục điều trị theo định hướng của hội chẩn; và tiếp tục chờ đợi sự hồi phục chức năng của thận sau hơn 10 ngày không có nước tiểu.
Sự chờ đợi những dòng nước tiểu đầu tiên của bệnh nhi đối với chúng tôi còn khó khăn hơn là sự đón chờ những cơn mưa rào bất chợt dưới cái nóng rực lửa ban trưa của Bình Dương vào tháng mười một.Bên cạnh đó, điều kỳ diệu lần nữa đã lại đến, những dòng nước tiểu hiếm hoi đầu tiên của bệnh nhi xuất hiện trong túi chứa mỗi ngày lại nhiều hơn: 200ml rồi đến 400ml và 600 ml trong buổi sáng chủ nhật vui tươi hôm nay tràn ngập những tia nắng rực rỡ ban mai và những làn gió nhẹ miên man trên từng khóm lá. Vì lẽ đó, đây là những khoảng khắc hạnh phúc vô bờ bến của êkíp chúng tôi trong việc cứu chữa cho từng ca bệnh trong số hơn sáu mươi bệnh nhân nặng – nguy kịch hiện nay tại khoa hồi sức tích cực (đã giảm hơn 50% so với trước đây). Sự hồi phục hoàn toàn của tri giác hiện nay của bé và sự cải thiện qua từng ngày của tổn thương thận, tim và tuyến tụy là một điều kỳ diệu ở bệnh nhi với sự chính xác trong nhận định chẩn đoán và điều trị của êkíp.
Với trách nhiệm cao nhất của người thầy thuốc với trái tim yêu thương người bệnh và tâm hồn yêu trẻ thơ bất tận. Xin cám ơn những đồng nghiệp là các chuyên gia nhi khoa Thủ đô như PGS.TS. Lê Thị Minh – Nguyên Phó giám đốc BV Nhi Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Hồi sức Nhi BV Bạch Mai; và những lời động viên chân tình của các đồng nghiệp khắp các miền đất nước trong việc điều trị cho bệnh nhi đã cho chúng tôi những sự tự tin và động viên hữu ích…
Mặc dù, làn sóng đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống trong những tuần qua nhưng vẫn còn đó những người cán bộ y tế ngày đêm miệt mài trên tuyến đầu chống dịch khắp mọi miền đất nước, những thầy thuốc và điều dưỡng viên, kỹ thuật viên trị liệu vẫn đang phải từng ngày – từng giờ cứu chữa và chăm sóc cho những bệnh nhân Covid-19. Đây cũng là một bức tranh đẹp thấm đậm tình người trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và trong đạo đức ngành y ngời sáng lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”. Điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng – nguy kịch là một thử thách lớn nhất đối với các cán bộ y tế vì để có thể đem lại sự sống và hồi phục sức khỏe cho người bệnh đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện và chuyên sâu, không ngừng học hỏi chuyên môn để hiểu biết nhiều hơn về cơ chế sinh bệnh – chẩn đoán – điều trị bệnh nhân bị Covid-19, song hành cùng với đó là “ tình thương và trách nhiệm với người bệnh”.
Sự hồi sinh của bé là niềm hạnh phúc của tập thể y bác sĩ – điều dưỡng Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh, của ban lãnh đạo BVĐK Bình Dương và cũng là món quà cá nhân tôi được thay mặt tập thể gửi tặng đến các gia đình có trẻ thơ mọi miền đang cắp sách đến trường trước khi quay trở về lại thành phố ngàn hoa Đà Lạt công tác với lời nhắn nhủ chân tình “ Tiêm vắc xin cho trẻ em là rất cần thiết để chúng ta khỏi phải chứng kiến bất kỳ một tâm hồn trẻ thơ bé bỏng nào bị tổn thương do Covid-19 trên đất nước hình chữ S thân yêu”./.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ. Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.
Nguồn: Bản tin Công luận: https://bantinplus.vn/index.php/nu-cuoi-tre-tho-bi-covid-19-nguy-kich-lam-nen-suc-manh-va-y-chi-cua-nguoi-thay-thuoc.html