Thỏa ước mong được ra tuyến đầu


GS-TSKH Dương Quý Sỹ nói: “Tình thương bệnh nhân và trái tim trắc ẩn đã giữ tôi ở lại với tuyến đầu. Đại dịch quá khốc liệt, có những bàn tay người bệnh cứ nắm chặt như muốn níu kéo nhưng tôi và khoa học đành bất lực”

Dịch Covid-19 tại Bình Dương đã cơ bản được khống chế, nhiều đoàn thầy thuốc chi viện lần lượt được rút về. Nhưng bệnh nhân nặng vẫn còn. Họ đang rất cần những chuyên gia đầu ngành để điều trị. GS-TSKH Dương Quý Sỹ – Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam – là một trong nhiều người như thế.

Đợi lệnh là lên đường

Những ngày miền Nam kiên cường chống dịch, GS-TSKH Dương Quý Sỹ đứng ngồi không yên. Vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc, ông không thể cầm lòng trước những con số về ca mắc Covid-19 tăng cao hằng ngày. Ông hiểu và lo lắng trước sinh mệnh của đồng bào cùng những hy sinh của đồng nghiệp.

Thỏa ước mong được ra tuyến đầu - Ảnh 1.
Thầy và trò Trường CĐ Y tế Lâm Đồng tham gia hỗ trợ Bình Dương tiêm chủng cho người dân

Ngay từ những ngày đầu ngành y tế ghi nhận có ca dịch, ông đã chỉ đạo giáo viên và sinh viên của Trường CĐ Y tế Lâm Đồng chủ động đào tạo, tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm để khi cần “ra chiến trường, chiến đấu được ngay”. Hàng trăm sinh viên từ năm 2 với sự kêu gọi của thầy hiệu trưởng đã tình nguyện sẵn sàng đi chống dịch. Nhiều em nằng nặc xin gặp thầy hiệu trưởng. Có em gửi tin nhắn cho thầy: “Thầy ơi, nếu trường cần, cho con vào tâm dịch!”.

Những tình cảm thương yêu đồng bào, người bệnh của sinh viên như thôi thúc và tiếp lửa cho thầy hiệu trưởng. GS-TSKH kể: “Tôi có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương, lãnh đạo 2 sở y tế đề nghị cho thầy giáo và sinh viên của trường đến Bình Dương chi viện cho lực lượng y tế tại chỗ”.

Thỏa ước mong được ra tuyến đầu - Ảnh 2.
Thỏa ước mong được ra tuyến đầu - Ảnh 3.
GS-TSKH Dương Quý Sỹ (bìa trái) cùng đồng nghiệp tại khu điều trị Phú Chánh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Trò chuyện với tôi, GS-TSKH Dương Quý Sỹ cho biết hồi tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, qua phương tiện thông tin đại chúng, trái tim ông đã rung động trước hình ảnh các lực lượng ở tuyến đầu, nhất là có cán bộ y tế đã bao lần ngất lịm do làm việc quá tải, xuyên đêm, do trời nắng gắt; cùng với đó là những nghĩa cử, việc làm thấm đẫm tình người cao đẹp nơi tâm dịch. Tất cả điều đó đã thôi thúc ông làm đơn tình nguyện đến Bắc Giang. Đơn được tiếp nhận và ông gói sẵn quần áo, thuốc men, đợi lệnh là lên đường.

Ông kể với giọng nói hào hứng: “Làn sóng dịch thứ 3 được chúng ta khống chế tốt và hồi ấy tôi đã lỡ hẹn nơi tuyến đầu. Đến làn sóng dịch thứ 4, khốc liệt và chưa có tiền lệ, tôi đã thỏa ước mong được chung sức cùng đồng nghiệp và đồng bào chiến đấu nơi mặt trận không tiếng súng với những kẻ thù vô hình”.

Trường CĐ Y tế Lâm Đồng đã cử 2 đoàn tình nguyện với 60 giáo viên và sinh viên tham gia. Đoàn thứ nhất có 29 giảng viên, sinh viên tham gia tình nguyện từ ngày 22-7, kết thúc đợt trở về Lâm Đồng ngày 21-8. Đoàn thứ hai gồm 31 giảng viên, sinh viên do GS-TSKH Dương Quý Sỹ trực tiếp làm trưởng đoàn, tham gia từ ngày 28-7. Riêng GS-TSKH Dương Quý Sỹ nhận được lời mời của lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục ở lại hỗ trợ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị, do số ca bệnh Covid-19 nặng vẫn còn nhiều.

Nung nấu các giải pháp

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, nói về những cống hiến của GS-TSKH Dương Quý Sỹ đối với tỉnh: “Sự hỗ trợ nhiệt tình của các đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng và cá nhân GS-TSKH Dương Quý Sỹ đã góp phần giúp tỉnh Bình Dương kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh. Trong đó, những lần hội chẩn khoa học, với kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình, giáo sư đã góp phần giúp địa phương có phác đồ điều trị, cứu chữa hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19 nặng. Thông qua phác đồ khoa học được hội chẩn này, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và tử vong ở Bình Dương đã giảm đáng kể”

Không chỉ trực tiếp tham gia hội chẩn và điều trị bệnh nhân nặng, GS-TSKH Dương Quý Sỹ còn xuống tận giường bệnh và truyền thụ kinh nghiệm cho thầy thuốc tuyến dưới. Tâm huyết với nghề dạy học, yêu thương bệnh nhân như người thân của mình. Trong thời gian chi viện cho Bình Dương, có 2 ca thay huyết tương được GS-TSKH Dương Quý Sỹ tham gia cùng đồng nghiệp cứu sống. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 31 tuổi, nguy kịch vì liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, có kết quả RT-PCR SARS-CoV-2 dương tính kèm tổn thương phổi nặng, phải đặt nội khí quản và thở máy. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 18 tuổi, liệt hai chi dưới tiến triển sau 5 ngày sốt, ho và dương tính với SARS-CoV-2.

Thỏa ước mong được ra tuyến đầu - Ảnh 4.
GS-TSKH Dương Quý Sỹ tự tay làm mọi việc sau giờ làm tại Bình Dương

GS-TSKH Dương Quý Sỹ kể trường hợp thứ nhất đã hồi phục hoàn toàn các cơ vận động và hô hấp sau 5 chu kỳ lọc máu thay huyết tương (thay bằng albumine) trong 10 ngày, đang được tiếp tục tập vật lý trị liệu vận động phục hồi việc đi lại sau nhiều ngày nằm viện phải thở máy. Bệnh nhân thứ hai, sau 3 chu kỳ lọc máu thay huyết tương đã hồi phục được sức cơ hai chi dưới, bệnh nhân vẫn tự thở được. Lọc máu thay huyết tương cho những bệnh nhân bị yếu liệt chi (hội chứng Guillain Barre) do Covid-19 là những trường hợp rất hiếm gặp trên thế giới và chỉ khoảng dưới 50 trường hợp công bố cho đến nay. Phương pháp lọc máu thay huyết tương là phương pháp điều trị hiệu quả đối với các trường hợp liệt vận động trong hội chứng Guillain Barre và đã được thực hiện ở một số bệnh viện ở nước ta.

Lăn lộn tại tâm dịch, GS-TSKH Dương Quý Sỹ luôn nung nấu các giải pháp để đất nước thích ứng với an toàn, linh hoạt điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân Covid-19. Ông đã trực tiếp soạn 5 phương pháp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Đó là dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch cần thiết phải có một nhân viên y tế chuyên ngành về dinh dưỡng để hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng trong việc thực hiện chế độ dinh dưỡng chung cho từng nhóm bệnh nhân theo tình trạng bệnh và theo bệnh nền sẵn có (suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, bệnh phổi mạn tính). Thứ hai là tâm lý bệnh nhân. Theo GS-TSKH Dương Quý Sỹ, tại các nơi điều trị cần có nhân viên y tế chuyên ngành về tâm lý trị liệu để hỗ trợ người bệnh trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm giúp người bệnh giảm lo âu, giảm stress và có niềm tin vào việc điều trị khỏi bệnh.

Yếu tố tiếp theo rất quan trọng, đó là giấc ngủ bệnh nhân. Thứ 4 là quan tâm đến hệ vận động bệnh nhân. Tại nơi điều trị cần có một cán bộ y tế chuyên ngành về vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để tập phục hồi cho những bệnh nhân chuẩn bị cai máy thở, bệnh nhân đã được cai máy thở, bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày nhằm tránh nguy cơ yếu cơ, cứng khớp và thuyên tắc mạch máu do nằm lâu và thiếu vận động. Yếu tố thứ 5 trong liệu pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch là chăm sóc, vệ sinh thân thể và cá nhân. Hiện nay, trong quy trình chăm sóc người bệnh, nhiều bệnh viện của chúng ta đang thiếu một thành tố quan trọng là đội ngũ nhân viên y tế làm công tác hộ lý – y công.

Tôi tò mò hỏi điều gì thôi thúc ông say mê và níu kéo ông trong các buồng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, nơi mà ông phải mặc đồ bảo hộ cá nhân cấp 4, đến khi ra ngoài ông đã từng phải tiếp nước. Ánh mắt long lanh, giọng nói quyết liệt, ông bảo: “Tình thương bệnh nhân và trái tim trắc ẩn giữ tôi ở lại. Đại dịch này thật sự khốc liệt, có những bàn tay người bệnh cứ nắm chặt như muốn níu kéo nhưng tôi và khoa học đành bất lực. Có những nụ cười, chúng tôi không bao giờ quên. Nhìn hình ảnh người bệnh trong bộ đồ rộng thùng thình, tấm lưng nhỏ thó xiêu vẹo, đôi chân đi chưa vững bước ra xe bởi hậu quả của những bão Cytokine càn quét… như thôi thúc thầy thuốc chúng tôi ở lại với nghề, tiếp tục chiến đấu, bởi cuộc chiến này chưa kết thúc!”.